top of page

Tái cấu trúc doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng

Tái cấu trúc doanh nghiệp là gì?

Tái cấu trúc doanh nghiệp là cụm từ phổ biến mà chúng ta thường nghe rất nhiều trong những năm gần đây. Vậy “tái cấu trúc là gì” và “tại sao lại phải tái cấu trúc doanh nghiệp” thiết nghĩ là một khái niệm hết sức quan trọng mà đại đa số nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp đều muốn hiểu rõ.


Tái cấu trúc doanh nghiệp (restructuring) là quá trình tổ chức và sắp xếp lại doanh nghiệp dựa trên nền tảng là cấu trúc cũ của doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc này nhằm mục đích khắc phục những yếu kém nội tại của doanh nghiệp. Đồng thời, việc làm này cũng giúp đưa ra những hướng đi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.


Thông thường, tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ được thực hiện một cách toàn diện trên mọi khía cạnh từ cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, vận hành, tài chính… Tuy nhiên, tùy vào tình hình hiện tại của doanh nghiệp mà kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp có thể lựa chọn cải tổ toàn diện hay chỉ ở một lĩnh vực nào đó đang gặp vấn đề.



Vậy khi nào cần tái cấu trúc doanh nghiệp?

Tái cấu trúc là một công việc khó do tâm lý tự nhiên là luôn chống lại sự thay đổi từ lãnh đạo cho tới các thành viên khác trong tổ chức. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong tái cấu trúc doanh nghiệp đó là THAY ĐỔI TƯ DUY.


Tái cấu trúc thường chỉ được thực hiện khi đà phát triển của doanh nghiệp bị chặn lại như mất phương hướng, không xác định được kế hoạch, chiến lược kinh doanh, đội ngũ làm việc không hiệu quả, tinh gọn hoặc ở trường hợp xấu hơn là bắt buộc phải làm để tồn tại tránh bị phá sản. Có nhiều trường hợp tái cấu trúc trong hoàn cảnh bắt buộc như vậy đã giúp doanh nghiệp chuyển mình nhưng đa phần các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn thậm chí rơi vào thất bại.


Một ví dụ cụ thể đó là thương vụ tái cấu trúc tài chính đi vào lịch sử của hãng xe Ford. Vào năm 2006 sau hàng loạt khó khăn chồng chất mà hãng xe này thành 1 gã khổng lồ cháy túi đang trên đà suy thoái và đứng trước nguy cơ phải sáp nhập hoặc phá sản. Khi đó CEO Alan Mulally – người hùng của Ford Motor đã thực hiện cuộc giải cứu thần kỳ khi đã thành công xử lý các cuộc khủng hoảng trong nội tại tổ chức và đảm bảo nguồn tài chính vững mạnh. Điều này đã giúp Ford Motor, 1 trong 3 ông lớn sản xuất xe thời bấy giờ, không những vượt qua đợt khủng hoảng của riêng công ty mà còn vượt qua cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới vào cuối năm 2008 để trở lên vững mạnh vươn lên trên thế giới, trong khi 2 ông lớn còn lại phải nộp đơn bảo hộ phá sản.


Tổng quan tái cấu trúc doanh nghiệp hướng đến 3 nội dung, khía cạnh chính:


1. Tái cấu trúc chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh gắn với mô hình tổ chức của doanh nghiệp

2. Tái cấu trúc hệ thống quản trị, vận hành, hướng đến doanh nghiệp vận hành 1 cách tinh gọn, hiệu quả

3. Tái cấu trúc tài chính làm sao đạt mức an toàn, tối ưu cấu trúc vốn của doanh nghiệp.


Nhìn nhận khách quan, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào tài chính luôn là vấn đề rất thiết thực và gây đau đầu cho các nhà đầu tư. Tài chính doanh nghiệp cần được theo dõi sát sao và lên kế hoạch chi tiết, doanh nghiệp muốn ổn định, phát triển cần phải có một nguồn lực vững mạnh, đáp ứng đủ và kịp thời cho cho dự án kế hoạch mở rộng được đề ra. Do đó, tái cấu trúc tài chính cần được đánh giá, thay đổi theo từng thời kỳ để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải khi gặp khủng hoảng mới đề cập đến.


Khó khăn chung của các doanh nghiệp

Đại dịch Covid 19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trên toàn thế giới. Thông tin của hàng nghìn doanh nghiệp thông báo phá sản mỗi ngày, ngay cả những ông lớn trên toàn cầu điêu đứng đã gây chấn động cho tất cả mọi người. Vấn đề mà hầu hết mà các doanh nghiệp đều gặp phải là thiếu vốn, mất cân đối về nguồn vốn, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Do đó, trong tình hình khủng hoảng, dịch bênh như hiện nay, vấn đề không có doanh thu, không dòng tiền, mất khả năng thanh khoản dẫn đến sự phá sản của rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới là minh chứng rõ ràng và là lời cảnh báo cho tình hình tài chính của doanh nghiệp.


Cấu trúc tài chính an toàn, phù hợp?

Một cấu trúc tài chính phù hợp phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Thông qua cấu trúc tài chính có thể đánh giá khái quát chính sách tài trợ, mức độ an toàn trong sử dụng tài sản và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.


Tái cấu trúc tài chính bao gồm hai nội dung cơ bản là:


  • Tái cấu trúc nợ

  • Tái cấu trúc vốn chủ sở hữu.


Trong bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu về khía cạnh cụ thể “Tái cấu trúc tài chính”, chi tiết hơn đó là “Tái cấu trúc nợ” để hiểu rõ hơn một phần về việc nhận diện mục tiêu cũng như phương thức giải quyết các đề tài chính đang tồn tại trong doanh nghiệp.


Tái cấu trúc nợ


Tái cấu trúc nợ là một bước không thể tách rời của quá trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Tái cấu trúc nợ là quá trình tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu và quy mô các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc thực hiện cấu trúc lại các khoản nợ được thực hiện một cách thường xuyên và dễ dàng hơn tái cấu trúc nguồn vốn chủ sở hữu. Tái cấu trúc nợ thường diễn ra khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ tới hạn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đang hoạt động tốt, tái cấu trúc nợ vẫn có thể diễn ra, ví dụ doanh nghiệp có thể thay thế khoản nợ hiện hành với lãi suất cao sang khoản nợ có lãi suất thấp hơn nhằm giảm chi phí sử dụng nợ vay.


Ba nội dung cơ bản của quá trình tái cấu trúc nợ:


  • Quá trình cơ cấu lại các khoản nợ vay

  • Xác định mức vay nợ phù hợp với quy mô, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp

  • Xây dựng kế hoạch trả nợ phù hợp.

Mục tiêu giải quyết


Giải quyết các khoản nợ tồn đọng trong quá khứ: Khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay cao, hiệu quả kinh doanh thấp, phần lớn lợi nhuận kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh được sử dụng trả lãi vay. Nếu quá trình kinh doanh cứ như vậy mà không tính đến tái cấu trúc nợ thì doanh nghiệp chỉ đem lại lợi ích cho chủ nợ, không đem lại lợi ích cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Ngoài ra, dự nợ vay quá cao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài trợ mới như các khoản vay mới, vốn đầu tư từ chủ sở hữu cho mục đích mở rộng hoạt động, đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ, tài sản cố định.


Tiếp cận nguồn tài trợ mới: Để tiếp cận nguồn tài trợ mới từ bên ngoài như nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn từ đối tác chiến lược đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề về vay nợ của doanh nghiệp như quy mô, cấu trúc và chi phí sử dụng vốn vay. Khi các vấn đề này được giải quyết một cách chủ động sẽ tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư, tác động tích cực đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng cho vay.


Tác động đến quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp: Tái cấu trúc nợ tác động không nhỏ tới quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh nếu không thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, giải quyết các khoản nợ vay có vấn đề. Tái cấu trúc nợ sẽ hình thành cấu trúc nợ bền vững làm cân bằng lợi ích giữa bên cho vay (ngân hàng, nhà cung cấp) và bên đi vay (cổ đông, nhân viên). Đối với các doanh nghiệp có khả năng tồn tại, tái cấu trúc nợ tạo ra động lực cho các nhóm lợi ích, giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đối với doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, tái cấu trúc nợ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho các nhóm lợi ích. Như vậy, tái cấu trúc nợ là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, cũng như tái cấu trúc tài chính nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.


Phương thức thực hiện


Thực hiện đàm phán giảm hoặc miễn lãi suất: Khi chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trên lợi nhuận kinh doanh, làm kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp sau nhiều năm phát triển. Doanh nghiệp cần thực hiện đàm phán với chủ nợ nhằm điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ của doanh nghiệp về mức thấp hơn hoặc thậm chí bằng 0. Qua đó nâng cao khả năng thanh toán và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.


  • Khoanh nợ : là hình thức mà người cho vay cho phép doanh nghiệp đi vay được “hoãn” các khoản dư nợ còn lại, đến một thời điểm nào đó trong tương lai doanh nghiệp đi vay sẽ tiếp tục trả nợ như thỏa thuận cũ trong hợp đồng cho vay.

  • Giãn nợ: là việc doanh nghiệp đi vay được hoãn lại các khoản nợ phải trả, đồng thời áp dụng thời gian đáo hạn mới (kéo dài hơn) đối với khoản nợ được hoãn.

Đảo nợ là hình thức “vay để trả nợ”, người đi vay tiến hành vay khoản tiền mới để trả nợ cho khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp có khoản nợ xấu, làm ăn không hiệu quả thì sẽ không thực hiện được hoạt động đảo nợ. Còn doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng vướng lãi suất cao thời kỳ thắt chặt tiền tệ, có thể được ngân hàng cho phép vay mới, trả cũ, nhằm giúp doanh nghiệp làm lành mạnh hoá sổ sách kế toán và giảm bớt áp lực chi phí vốn trước mắt.


Các biện pháp phương thức đàm phán giảm, miễn lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và đảo nợ chỉ mang tính chất ngắn hạn, không dẫn đến sự thay đổi căn bản, thực chất cấu trúc tài chính doanh nghiệp, qua đó không đạt được mục tiêu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thực hiện phương thức mới thực chất hơn như:


  • Hoán đổi nợ thành vốn cổ phần là việc chủ nợ tiến hành hoán chuyển toàn bộ hoặc một phần giá trị khoản nợ vay thành phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Chủ nợ từ vai trò là người cho vay chuyển sang vai trò là chủ sở hữu, tham gia vào quá trình quản lý, điều hành kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, hoạt động này giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng vay nợ, khả năng thanh toán được cải thiện, tăng tính tự chủ tài chính và có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới, qua đó giúp doanh nghiệp từng bước cân đối tài chính, ổn định và phát triển kinh doanh. Để biện pháp này đi vào thực chất, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và chủ nợ, cần thiết phải đi kèm với biện pháp tái cấu trúc, quản lý và định hướng phát triển doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của cổ đông mới.

  • Đa dạng hóa các hình thức vay nợ: Hiện có nhiều hình thức vay nợ khác nhau như nợ của nhà cung cấp, vay ngân hàng, vay cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thuê tài chính. Mỗi phương thức vay nợ có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Tùy theo điều kiện kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, nên thực hiện đa dạng hóa các nguồn tài trợ từ nợ vay nhằm phát huy tốt nhất ưu điểm của mỗi nguồn tài trợ. 

Trên đây là những thông tin hữu ích về việc tái cấu trúc nợ trong tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, việc làm này cần được thực hiện trong từng thời kỳ phát triển nhằm đảm bảo duy trì tình hình tài chính tốt nhất cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có nhiều sự đánh đổi mà chắc chắn các nhà quản trị cần phải xem xét và xác định khi thực hiện tái cấu trúc tài chính.


Tóm lại, có thể ví cấu trúc tài chính của doanh nghiệp như kết cấu một ngôi nhà, nếu như ngôi nhà có kết cấu không hợp lí, cuộc sống trong ngôi nhà đó sẽ không thỏa mái. Mức độ bất hợp lí của kết cấu ngôi nhà càng lớn càng tạo ra sự bất ổn định của cuộc sống trong ngôi nhà. Qua đó thấy được tầm quan trọng của “Tái cấu trúc tài chính” trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.


325 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page