“Dữ liệu” (data), “dữ liệu lớn” (big data), “phân tích dữ liệu” (data analytics) … hiện đang là chuỗi các từ khóa nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây khi mà thế giới đang bước vào kỷ nguyên của công nghệ số. Vậy phân tích dữ liệu là gì và đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển doanh nghiệp?
Phân tích dữ liệu là một quá trình, theo đó thông tin được làm sạch, chuyển đổi và mô hình hóa để người sử dụng đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt. Quá trình này sẽ trích xuất thông tin hữu ích từ một lượng lớn dữ liệu thô mà doanh nghiệp có thể đã bỏ quên.
Tầm quan trọng của phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp
Đối với nhiều doanh nghiệp, quá trình này dần đóng vai trò chủ chốt trong sự thành bại của doanh nghiệp. Bởi việc phân tích và thấu hiểu những dữ liệu sẵn có sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được các sai lầm trong quá khứ và tìm ra phương hướng giải quyết, đồng thời khám phá ra những cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp. Và thay vì chỉ đưa ra quyết định dựa trên cảm tính hay kinh nghiệm phán đoán, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ sở rất trực quan và khoa học để đưa ra các quyết định đúng đắn hơn.
Bài viết này sẽ phân tích bảy lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp của bạn có thể tận dụng từ việc phân tích dữ liệu.
Có cái nhìn tổng quan về khách hàng
Phân tích dữ liệu cung cấp công cụ, phần mềm, thuật toán,… giúp doanh nghiệp có thể phân tích dữ liệu về nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, thu nhập…), về hành vi mua hàng, lịch sử giao dịch… Từ kết quả được thể hiện trên các bảng biểu, đồ thị, doanh nghiệp có được bức tranh toàn cảnh về khách hàng, có thể dự báo và ngăn chặn các vấn đề xảy ra từ phía khách hàng trước khi nó xảy ra. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng một chiến lược tiếp cận khách hàng và giữ được mối quan hệ bền vững với không chỉ những khách hàng cũ mà cả các khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Một ví dụ cụ thể chính là Chatbot – hệ thống máy tính trả lời tự động, có thể tự học, tự phân tích và tương tác với khách hàng như một con người, có khả năng hỗ trợ giải quyết vấn đề khiếu nại về lỗi sản phẩm.
Nắm rõ thị trường kinh doanh
Thị trường liên tục biến đối gây ra các áp lực cho doanh nghiệp, chính vì thế theo dõi tình hình thị trường là một công việc hằng ngày, và cần thiết đối với các doanh nghiệp, phân tích dữ liệu mang lại thông tin thị trường theo thời gian thực, đóng vai trò quyết định giúp công ty đưa ra các giải pháp ngắn hạn nhanh chóng và kịp thời, cũng như dễ dàng triển khai các chiến lược phát triển trong tương lai.
Xây dựng chiến dịch digital marketing, tiếp cận với các cơ hội kinh doanh tiềm năng
Dữ liệu có thể là hành vi của khách hàng tiềm năng bao gồm tương tác trên fanpage, feedback, tin nhắn, số lần ghé thăm website… Các kênh tiếp cận của khách hàng vô cùng đa dạng khiến quá trình thu thập và phân tích dữ liệu đòi hỏi sự bài bản, qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng mới của thị trường, khám phá thị trường tiềm năng mới lý tưởng để xâm nhập thông qua triển khai các chiến dịch digital marketing trên các kênh truyền thông phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Có định hướng để cải tiến chất lượng sản phẩm
Khối lượng dữ liệu thu thập được từ các nguồn như website, mạng xã hội, ứng dụng… là rất lớn, dĩ nhiên việc phân tích cũng vô cùng cần thiết. Tuy nhiên dữ liệu đó không chỉ cung cấp thông tin về thị trường mà còn cung cấp thông tin cá nhân khách hàng (từ các nguồn website, fanpage…) cực kỳ hữu ích cho việc xác định nhu cầu trong tương lai hay nhu cầu thầm kín của khách hàng (customer insight) và gợi ý sản phẩm, dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng,. Từ đó, đưa ra được chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ.
Bên cạnh đó, trong quá trình phân tích ý kiến khách hàng, công ty có thể phát hiện ra lỗi của sản phẩm mà kịp thời thay đổi, sửa chữa hay thu hồi sản phẩm, có thể thấy được đánh giá kém của khách hàng về dịch vụ và xác định lỗi từ bộ phận nào, từ đó cải thiện, sửa chữa.
Loại bỏ mối bận tâm về an toàn dữ liệu
Nhắc đến dữ liệu trong thời đại 4.0 không thể không nhắc tới Big Data. Big Data là một công cụ hỗ trợ rất nhiều cho việc bảo mật dữ liệu.
Hiện tại, với sự phát triển nhanh của công nghệ, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống Big Data, tích cực khai thác những lợi ích mà Big Data mà mang lại, không chỉ đơn thuần về triển khai phân tích dữ liệu thông thường mà còn cải thiện toàn diện quá trình Data Analytics mà trong đó có vấn đề an toàn thông tin.
Hỗ trợ và tăng năng suất làm việc của nhân viên
Phân tích dữ liệu không chỉ giúp ích cho các chiến dịch marketing mà bộ phận nhân sự còn có thể ứng dụng phân tích dữ liệu của nhân viên liên quan đến năng suất, thời gian làm việc, KPI, lương thưởng… để có thể đưa ra các chính sách cải thiện môi trường làm việc, lương thưởng phù hợp với năng lực… Phân tích dữ liệu ngày càng được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực nhân sự sở dĩ do xu hướng chú trọng phát triển trải nghiệm của nhân viên nhằm tăng hiệu suất làm việc và xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín.
Theo dõi đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh được xem là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong kinh doanh, kéo theo đó, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh được xem là một lợi ích to lớn mà Phân tích dữ liệu đem lại cho doanh nghiệp. Nhờ vào phân tích dữ liệu đối thủ cạnh tranh, công ty có thể nắm bắt thông tin về sản phẩm, giá cả, khách hàng… của đối thủ, qua đó có thể dự đoán các bước đi trong tương lai và thay đổi các chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Kết luận
Phân tích dữ liệu đang thực sự thay đổi thế giới và trở thành một trong những yếu tố chủ chốt của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách xử lý dữ liệu để “bắt” dữ liệu “nói lên” những thông tin hữu ích. Khi đó, để có thể bắt kịp đối thủ trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã quyết định đầu tư vào các khóa học về phân tích dữ liệu nhằm trang bị kiến thức cho chính doanh nghiệp mình. Bởi đầu tư cho giáo dục luôn là những khoản đầu tư xứng đáng!
Comments