Thanh tra giá chuyển nhượng là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Đợt dịch kéo dài ở Việt Nam từ tháng 7 đến nay khiến các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước. Theo đó, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (từ năm 2000). Trong bài viết này, RSM Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi thanh tra giá chuyển nhượng trong bối cảnh đại dịch?"
Nội dung chính:
1. Rủi ro khi giải trình các khoản lỗ hoặc lợi nhuận thấp với cơ quan thuế
Trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Điều tất yếu xảy ra là các doanh nghiệp có thể phát sinh lỗ vì các sự kiện bất khả kháng. Việc phát sinh lỗ sẽ tạo ra các rủi ro trọng yếu đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên liên kết. Doanh nghiệp sẽ phải giải trình các khoản lỗ hoặc lợi nhuận thấp với cơ quan thuế. Việc chứng minh tác động của đại dịch đối với kết quả hoạt động kinh doanh là rất quan trọng, để cơ quan thuế thấy rằng việc phát sinh lỗ hoặc lợi nhuận thấp không phải do thao túng giá chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP trong đó có quy định về việc thu hẹp khoảng giá trị độc lập chuẩn (cụ thể khoảng giá trị độc lập chuẩn được nâng lên từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75 của hàm xác suất thống kê) khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh giá trong các giao dịch liên kết là tuân theo nguyên tắc giá thị trường. Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của RSM Việt Nam, ngay từ bây giờ, các công ty nên chuẩn bị trước các nguyên nhân giải trình trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết dựa trên đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và thu thập bằng chứng liên quan.
2. 4 cách giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trước thời điểm thanh tra giá chuyển nhượng
Nhìn chung, RSM Việt Nam gợi ý một số hành động mà doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trước thời điểm thanh tra giá chuyển nhượng như sau:
Thực hiện đánh giá rủi ro về giá chuyển nhượng trong nội bộ tập đoàn
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 tại mỗi quốc gia và các chính sách được chính phủ mỗi nước đưa ra để đối phó với dịch bệnh là khác nhau. Việc trao đổi về ảnh hưởng của đại dịch ở mỗi quốc gia giữa các công ty liên kết và đánh giá rủi ro là cần thiết.
Do đó, các tập đoàn cần thực hiện một số bước như: Xem xét phân bổ lại hoạt động tạo ra lợi nhuận trong toàn bộ chuỗi giá trị trong tập đoàn; tái cấu trúc các thỏa thuận giao dịch liên kết trong tập đoàn; đánh giá lợi ích kinh tế, chức năng, rủi ro của các công ty thuộc chuỗi cung ứng; tối ưu hóa mô hình hoạt động và giảm rủi ro (cả về phương diện thuế) đối với hoạt động kinh doanh hậu COVID-19.
Đánh giá lại sự tuân thủ pháp luật về giá chuyển nhượng
Thông điệp chính của Chính phủ và ngành thuế năm 2021 là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, tăng cường phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường tính tuân thủ của người nộp thuế. Do đó, để tránh những truy vấn liên quan đến giao dịch liên kết, các tập đoàn có công ty con tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp trong nước có phát sinh giao dịch với bên liên kết khác thuế suất, cần đánh giá chính sách giá nội bộ và chiến lược về tình hình tuân thủ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần điều chỉnh chính sách giá đảm bảo mức lợi nhuận cho các đơn vị chịu rủi ro thấp và phân tích biến động lợi nhuận nhằm chứng minh sự tuân thủ các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Để chứng minh và giải trình cho các khoản lỗ phát sinh là hoàn toàn dưới tác động của đại dịch COVID-19 chứ không phải các hành vi sai lệch giá giao dịch liên kết, doanh nghiệp cần phân tích và định lượng các nguyên nhân từ hoạt động thương mại, tài chính, kinh tế, dịch bệnh gây ra.
Các nguyên nhân có thể kể đến như: sụt giảm đơn hàng, gián đoạn nguồn doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí phát sinh do năng suất sụt giảm, chi phí thu hồi nợ khó đòi, chi phí phát sinh do phải cho công nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc vĩnh viễn, chi phí bảo trì cơ sở vật chất không sử dụng hoặc các chi phí phát sinh bất thường khác. Việc ghi nhận và định lượng các tổn thất liên quan đến các nguyên nhân trên cần được thực hiện một cách hợp lý và nhất quán.
Nếu có thể, doanh nghiệp nên chủ động trao đổi với cơ quan thuế về các phương pháp tiếp cận phù hợp liên quan đến chính sách giá chuyển nhượng trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Đồng thời, đề nghị cơ quan thuế cho ý kiến về cách tiếp cận hợp lý. Việc trao đổi sẽ giúp cơ quan thuế cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình kinh doanh và quy định của Việt Nam.
Chuẩn bị kỹ lưỡng bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Việc chuẩn bị hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với đầy đủ thông tin là một trong những bước quan trọng nhằm đảm bảo tính tuân thủ của doanh nghiệp. Hồ sơ quốc gia của mỗi công ty cần trình bày chi tiết về tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh thấp như: sản lượng, công suất sản xuất, sản lượng hòa vốn, chi phí bất thường phát sinh. Ngoài phân tích tác động tới công ty, các phân tích ảnh hưởng của đại dịch tới ngành, cũng như tới chuỗi cung ứng trong tương lai cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Có phương án chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra, thanh tra giá chuyển nhượng và bảo vệ chính sách giá áp dụng
Các công ty nên xem xét lại thỏa thuận nội bộ tập đoàn và dựa trên bộ hồ sơ quốc gia đã lập để chuẩn bị trả lời các câu hỏi mà cơ quan thuế có thể đặt ra. Theo từng thỏa thuận với bên liên kết, các bên tham gia có thể sẽ phải chia sẻ rủi ro tương ứng trên phần lợi ích nhận được với các công ty trong tập đoàn. Các khoản phí cung cấp dịch vụ nội bộ từ nước ngoài có thể cân nhắc điều chỉnh giảm do lợi ích mang lại có thể thấp hơn so với các năm trước đại dịch.
Đối với các điều khoản bất khả kháng, công ty cần phối hợp với bộ phận pháp chế của tập đoàn nhằm xem xét lại những điều khoản này trong thỏa thuận với nhà cung cấp là bên liên kết. Ngoài ra, có thể xem xét kích hoạt các khoản bồi thường do tác động của đại dịch COVID-19 như giao hàng trễ, chậm thanh toán. Đồng thời, công ty có thể lượng hóa các ảnh hưởng trọng yếu và phân tích trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết của doanh nghiệp tại Việt Nam với dẫn chứng số học cụ thể.
Ngoài hồ sơ như trên, nhân sự công ty cũng cần được hỗ trợ chuẩn bị trước các câu hỏi có thể được cán bộ thuế yêu cầu giải trình trong quá trình thanh tra. Điều này nhằm đảm bảo sự nhất quán, đúng thực tế và chủ động kiểm soát rủi ro trong quá trình thanh tra sau này.
3. RSM có thể giúp gì cho doanh nghiệp?
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chống lại tác động chưa thể lường trước được của đại dịch. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đã trở lại hoạt động và đang phải đối mặt với rủi ro kinh doanh, RSM Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp Việt Nam và chủ động nhận diện sớm các rủi ro để hỗ trợ khách hàng giảm thiểu các tác động khi xác định giá giao dịch liên kết.
Với kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp lập hơn 300 bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, kèm theo đó là đội ngũ chuyên gia tư vấn dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong những vấn đề sau:
Hỗ trợ Doanh nghiệp tuân thủ với các quy định về thuế và xác định giá giao dịch liên kết;
Cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ quan trọng để giảm thiểu thời gian và công sức khi giải quyết các câu hỏi của cơ quan thuế khi có thanh tra thuế hoặc thanh tra việc xác định giá giao dịch liên kết;
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ mức xử phạt có thể bị áp dụng trong trường hợp cơ quan thuế điều chỉnh giá giao dịch liên kết mà doanh nghiệp đã xác định; và
Tăng cường việc kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ nguyên tắc xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm việc xác định sớm những điều chỉnh cần thiết và các cơ hội lập kế hoạch thuế và xác định giá giao dịch liên kết.
Comments