Chuyển giá (Transfer Pricing) từ lâu đã là một vấn đề nóng được các doanh nghiệp vô cùng quan tâm. Trong bài viết này, RSM Việt Nam sẽ phân tích những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý về chuyển giá. Từ đó doanh nghiệp sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này để có sự tuân thủ đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Nội dung chính:
Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế được thiết lập một cách đa dạng song vẫn xoay quanh sợi chỉ đỏ là lợi ích. Sự ra đời của các tập đoàn kinh tế cũng bắt nguồn từ động cơ tối đa hóa các mặt lợi ích: lợi ích của tập đoàn, lợi ích của các công ty con. Chính vì vậy, trong các giao dịch trong nội bộ tập đoàn mặc dù việc tính giá giao dịch giữa bên bán và bên mua được thực hiện bằng hóa đơn, chứng từ hợp pháp nhưng cơ sở tính giá thường không phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch giữa các bên liên kết theo nguyên tắc thị trường (tức là mức giá mang tính tự nguyện trên cơ sở người mua muốn rẻ, người bán muốn bán đắt).
Mức giá xác định cho các giao dịch trong nội bộ tập đoàn thường có lợi nhất về kinh tế, tức là giảm tối đa về chi phí bỏ ra để tối đa hóa lợi nhuận ròng thu được, trong đó thuế là một yếu tố chi phí quan trọng. Chính vì vậy, các tập đoàn thường có xu hướng dồn thu nhập về nơi có thuế suất thấp (hoặc không có thuế) và đẩy chi phí về nơi có thuế suất cao mà thủ đoạn để thực hiện mục đích đó là sử dụng hình thức chuyển giá (Transfer Pricing).
1. Khái niệm chuyển giá (Transfer Pricing)
Giá chuyển nhượng là giá nội bộ được dùng để trao đổi đầu vào nhân tố và sản phẩm giữa các chi nhánh hoặc bộ phận của một doanh nghiệp lớn. Nói một cách dễ hiểu là giá chuyển nhượng này dùng để mua bán, trao đổi, vay mượn giữa các công ty, doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết.
Chuyển giá (Transfer Pricing) được hiểu là việc ấn định giá cho các giao dịch nội bộ giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết trong cùng Tập đoàn, trong đó giá không phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Giá được ấn định để giảm thiểu gánh nặng thuế đối với Tập đoàn trên quy mô toàn cầu. Chẳng hạn, các Tập đoàn đa quốc gia muốn tăng lợi nhuận của mình thường sử dụng giá chuyển nhượng nội bộ giữa các công ty con ở các nước khác nhau để chuyển phần lớn lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp hơn với mục đích tối thiểu hóa số thuế phải nộp, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận sau thuế trên toàn Tập đoàn.
2. Cơ sở xuất hiện hành vi chuyển giá (Transfer Pricing)
Các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá (Transfer Pricing) dựa trên việc xác định lại giá giao dịch nội bộ giữa các công ty liên kết trong cùng tập đoàn đa quốc gia xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ động cơ tối đa hóa lợi nhuận. Các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia không bao giờ từ bỏ các cơ hội có thể tận dụng để làm giảm nghĩa vụ thuế nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.
Thứ hai, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp có quyền tự định đoạt, quyền tự chủ trong kinh doanh. Do đó, việc thỏa thuận với nhau về giá cả hàng hóa, tài sản, dịch vụ là do các bên tham gia quan hệ hợp đồng toàn quyền quyết định theo các mức giá mà họ mong muốn.
Thứ ba, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó cùng lợi ích giữa các công ty thành viên trong một tập đoàn. Đây chính là lý do mà khi các công ty thành viên trong cùng tập đoàn thực hiện chuyển giá thì sẽ làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của cả nhóm, làm lợi ích kinh tế trong nhóm sẽ tăng. Thông qua hành vi chuyển giá, nghĩa vụ thuế của các bên được chuyển từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn.
Thứ tư, có sự khác biệt về môi trường đầu tư, kinh doanh: sự khác biệt trong chính sách thuế, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế là bức tranh phổ biến và rõ nét trong thời gian vừa qua, có thể nói rất nhiều, gần như đại đa số các nước đang phát triển đều sử dụng các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay trên thế giới tồn tại nhiều thiên đường thuế: nơi mà thủ tục thành lập công ty dễ dàng; mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc bằng 0 nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI đến đăng ký thành lập công ty, chuyển lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh trên toàn cầu về nơi có thuế suất thấp để giảm nghĩa vụ đóng thuế.
3. Các dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá (Transfer Pricing)
Nhận biết những dấu hiệu chuyển giá là cơ sở đầu tiên để cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp kiểm soát vấn đề chuyển giá. Thông thường, một doanh nghiệp có hành vi chuyển giá thường thể hiện ở một hoặc một số dấu hiệu sau đây:
Doanh nghiệp bị lỗ trong nhiều năm liên tiếp sau giai đoạn mới thành lập hoặc kết quả kinh doanh có tính lãi lỗ luân phiên khiến doanh nghiệp không thể đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đi kèm với dấu hiệu này là việc doanh nghiệp vẫn liên tục mở rộng đầu tư, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp có phát sinh các nghiệp vụ với các bên liên quan được chuyển giao từ các doanh nghiệp liên kết ở những quốc gia có mức thuế suất thấp.
Doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng một ngành nghề hoặc các doanh nghiệp khác trong một tập đoàn, các đối thủ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp lãi lớn trong thời kỳ ưu đãi, miễn giảm thuế và giảm lãi hoặc không còn lợi nhuận sau khi hết ưu đãi miễn giảm; hoặc có các hình thức sáp nhập, chuyển đổi hình thức, tái cấu trúc trước trong và ngay sau thời kỳ ưu đãi, miễn giảm thuế.
Doanh nghiệp có thanh toán các khoản chi phí quản lý, chi phí bảo hiểm, quảng cáo, chi phí tư vấn, bản quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, phí kỹ thuật, bảo lãnh, phát triển sản phẩm mới… với các công ty có quan hệ liên kết.
Doanh nghiệp có các khoản vay nợ kéo dài, vượt quá khả năng trả nợ hoặc lãi suất đi vay cao hơn nhiều so với lãi suất thị trường; hoặc doanh nghiệp có các khoản hạch toán mang tính chất công nợ giữa các đơn vị liên kết, các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kéo dài, không tính lãi hoặc tính lãi không tương ứng với lãi suất thị trường.
Doanh nghiệp không có hồ sơ và chứng từ hạch toán kế toán đầy đủ, đáng tin cậy để chứng minh việc định giá các giao dịch liên kết.
4. Yêu cầu tuân thủ hiện hành mà cơ quan thuế đặt ra đối với doanh nghiệp
Kể từ năm tài chính 2020, Nghị định 132/2020/NĐ-CP (“Nghị định 132”) được ban hành thay thế cho Nghị định 20/2017/NĐ-CP và thông tư 41/2017/NĐ-CP ban hành trước đó. Nghị định 132 yêu cầu hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết ba cấp bao gồm:
Thông tin quốc gia về các giao dịch liên kết của người nộp thuế địa phương (Hồ sơ quốc gia – Local file);
Thông tin về tập đoàn toàn cầu bao gồm các thông tin được chuẩn hóa về tất cả các thành viên trong các công ty đa quốc gia (“MNC”) (Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu – Master File); và
Báo cáo về tài sản và giao dịch toàn cầu của MNC (Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia – Country-by-country Report).
Nghị định yêu cầu người nộp thuế lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trước thời điểm kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm và phải lưu giữ, xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan thuế. Khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra người nộp thuế, thời hạn cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại luật thanh tra kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, Nghị định 132 cũng yêu cầu người nộp thuế kê khai bốn mẫu tờ khai giao dịch liên kết và phải nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính (Mẫu số 01-04 nộp kèm tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp).
5. Các doanh nghiệp nào sẽ nằm trong kế hoạch thanh tra chuyển giá trong thời gian tới?
Đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề chuyển giá giữa các công ty đa quốc gia, các doanh nghiêp FDI, tổng cục thuế đã có kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch với các bên liên kết có đặc điểm như sau:
Các doanh nghiệp phát sinh lỗ liên tục trong nhiều năm;
Các doanh nghiệp có giao dịch với các bên liên kết tại các quốc gia có thuế suất thấp, thiên đường thuế;
Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu hoặc tổng chi phí;
Các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế mà không có lãi;
Các doanh nghiệp có mức lãi thuần không đáng kể so với quy mô doanh nghiệp;
Các doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ kê khai và lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Có thể thấy, đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên liên kết, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì việc không tuân thủ các yêu cầu về nộp tờ khai và hồ sơ giải trình có thể dẫn đến rủi ro bị cơ quan thuế đánh giá lại giá giao dịch hoặc lợi nhuận tính thuế và ấn định các khoản phạt và lãi chậm nộp trong các cuộc thanh tra chuyển giá.
6. RSM Việt Nam có thể mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp?
Với kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp lập hơn 300 bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, kèm theo đó là đội ngũ chuyên gia tư vấn dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong những vấn đề sau:
Hỗ trợ Doanh nghiệp tuân thủ với các quy định về thuế và xác định giá giao dịch liên kết;
Cung cấp cho Doanh nghiệp các công cụ quan trọng để giảm thiểu thời gian và công sức khi giải quyết các câu hỏi của cơ quan thuế khi có thanh tra thuế hoặc thanh tra việc xác định giá giao dịch liên kết;
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ mức xử phạt có thể bị áp dụng trong trường hợp cơ quan thuế điều chỉnh giá giao dịch liên kết mà doanh nghiệp đã xác định;
Tăng cường việc kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ nguyên tắc xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm việc xác định sớm những điều chỉnh cần thiết và các cơ hội lập kế hoạch thuế và xác định giá giao dịch liên kết.
Comments