Nội dung bài viết
Một năm nhìn lại
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nền kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì sự kiên cường và thậm chí còn tăng trưởng ở mức 2.91% trong năm 2020 (Tổng cục thống kê). Đây là kết quả của những biện pháp kiềm chế dịch đầy quyết đoán của chính phủ và khả năng của Việt Nam khi duy trì chỉ số niềm tin kinh doanh ở mức cao. Theo Phòng Thương Mại Châu Âu (EuroCham), chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý 3 năm 2020 tăng thêm 24 điểm, đạt mức 57.5 điểm – đây là mức điểm cao nhất kể từ khi COVID -19 bùng phát.
FDI đóng vai trò là một thành phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam khi đất nước đã thu hút được 17,2 tỉ USD giá trị dự án FDI trong 11 tháng đầu của năm, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Các ngành có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,1 tỷ USD, kéo theo khu vực trong nước nhập siêu 12,7 tỷ USD. Lĩnh vực chế biến, chế tạo là lĩnh vực chủ yếu thu hút đầu tư, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất và phân phối điện xếp thứ hai, sau kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ. Con số này cho thấy FDI đang có xu hướng tập trung vào lĩnh vực thương mại khi ngành này tăng trưởng lần đầu tiên sau mười năm. Sự ưu tiên của FDI đối với các lĩnh vực thâm dụng thương mại có thể được giải thích do tác động tích cực từ các hiệp định thương mại khác nhau gồm Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định FTA giữa Anh và Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí đầu tiên trong danh sách với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với số vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan cũng là những quốc gia đóng góp tích cực vào FDI của Việt Nam. Trong những năm gần đây, các nước châu Á đã trở thành những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Đáng chú ý là Trung Quốc đã vươn lên thành đối tác FDI lớn thứ ba với 311 dự án mới vào năm 2020. Một khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là điểm đến FDI triển vọng nhất vào năm 2020. Tương tự, dự án đăng ký của các doanh nghiệp Thái Lan đã tăng gấp đôi vào năm 2020. Đây là kết quả của một môi trường đầu tư thuận lợi và việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại trong khu vực.
Vốn đăng ký mới tại Việt Nam theo quốc gia
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ngày 20 tháng 11, 2020)
Các xu hướng FDI chính trong năm 2021
Trong năm 2021, xu hướng chính trong hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm việc tăng cường vào ngành thương mại và sự gia tăng về số lượng của các nhà đầu tư châu Á. Các xu hướng này được dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Ngoài ra, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tập trung vào ngành thương mại do mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài chính là các hiệp định thương mại và khả năng tiếp cận thị trường. Kết quả là, ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thỏa thuận với các nước bên ngoài châu Á có thể sẽ là động lực thúc đẩy gia tăng số lượng các nhà đầu tư mới. Năm 2021, Việt Nam sẽ vẫn là địa điểm lý tưởng để đầu tư từ ASEAN và ngoài khu vực. Nhờ các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, sự ổn định về kinh tế chính trị và triển vọng nhu cầu tiêu dùng, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng đang diễn ra ở Nam Á.
Làn sóng FDI tiếp theo
Bên cạnh những xu hướng chủ đạo, làn sóng FDI mới cũng được dự báo là yếu tố góp phần tạo nên triển vọng tích cực của FDI tại Việt Nam. Làn sóng này được thúc đẩy bởi các yếu tố toàn cầu như Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID. Dự kiến, làn sóng FDI tiếp theo sẽ có tác động mạnh mẽ hơn lên nền kinh tế so với các dòng vốn FDI trước đó. Thủ tướng Chính phủ đã xác định FDI là một trong những trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn. Những làn sóng FDI ban đầu vào Việt Nam là do lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao và mức lương thấp, cũng như vị trí địa lý gần gũi của đất nước với chuỗi cung ứng ngành may mặc, đồ nội thất, điện tử và các ngành công nghiệp khác ở châu Á. Làn sóng FDI tiếp theo sẽ được thúc đẩy khi các công ty di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Dự đoán rằng 20% số cơ sở sản xuất của Trung Quốc có khả năng sẽ phải tái định vị trong thời gian 5-10 năm. Đông Nam Á sẽ là điểm đến cho các công ty đa quốc gia và công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy.
Tạm kết
Làn sóng FDI tiếp theo sẽ là động lực thúc đẩy chuyển đổi kinh tế của Việt Nam. Dòng vốn FDI không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trình độ thấp của Việt Nam mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, các công ty đa quốc gia sẽ giúp tăng cường năng lực của các doanh nghiệp địa phương khi xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các '' lợi ích lan tỏa '' khác bao gồm công nghệ tiên tiến, kiến thức quản lý và phương thức làm việc cũng sẽ được tăng cường khi quy mô và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp FDI tăng lên.
Nhìn chung, triển vọng về dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn có dấu hiệu tích cực và xu hướng trong năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục vào năm 2021 và xa hơn. Do nền kinh tế vẫn phục hồi bất chấp tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam được coi là môi trường đầu tư thuận lợi và ổn định. Dự kiến, những làn sóng FDI mới sẽ đến và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Commentaires