Năm 2020 được xem là năm chuyển đổi của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới. Tuy nhiên, Covid-19 đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với chuỗi cung ứng.
Song, đại dịch này được xem là “cơn bão hoàn hảo” để chuỗi cung ứng toàn cầu chú ý đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Ngành công nghiệp ô tô hứng chịu những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc, khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nước này khiến việc sản xuất trên khắp thế giới bị đình trệ. Mặc dù Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu xe lắp ráp nguyên chiếc, nhưng nước này đã trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới linh kiện và phụ tùng ô tô trên thế giới. Vào năm 2018, Trung Quốc đạt giá trị xuất khẩu linh phụ kiện ngành ô tô gần 35 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ nhập khẩu gần 12 tỷ USD.
Tại thị trường ô tô Trung Quốc, các thương hiệu lớn như Volkswagen hay GM bán được hàng triệu xe mỗi năm, chiếm 40% tổng doanh số toàn cầu. Đứng trước tình thế khó khăn trong đại dịch, nhiều chuyên gia lo ngại tình hình kinh doanh của các hãng này sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Trong khi đó, phần lớn các bộ phận và linh kiện của một chiếc ô tô cũng được sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Nissan đã thông báo sẽ tạm ngừng sản xuất ô tô tại Nhật Bản do dịch bệnh bùng phát. Hyundai, công ty phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng Trung Quốc, đã cho ngừng hoạt động 3 nhà máy ở Hàn Quốc vào tháng 2 do thiếu phụ tùng. Vào giữa tháng 3, hầu hết nhà sản xuất ô tô lớn ở Anh và châu Âu đã tạm ngưng hoặc cắt giảm sản lượng do sự gián đoạn khi tình hình đại dịch tiếp tục lan rộng. Tuy nhiên, những nhà sản xuất có sản lượng thấp hơn như Aston Martin vẫn mở cửa nhà máy.
Trong thời gian tới, khả năng phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu diễn biến phức tạp và chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể, một số nhà lắp ráp ô tô cũng sẽ buộc phải tạm ngừng sản xuất một phần và một số kế hoạch khác sẽ bị trì hoãn trong thời gian tới.
Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Dịch vụ thuế và tư vấn, RSM Việt Nam.
Khi các nhà sản xuất ô tô cố gắng mở lại các nhà máy và xưởng sản xuất phụ tùng, nhiều nhà cung ứng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang vận chuyển linh phụ kiện bằng đường hàng không tốn kém, thay vì tàu biển, để nhanh chóng gửi linh phụ kiện cho khách hàng. Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể buộc các doanh nghiệp phải đưa công nhân về nước hoặc giảm sản lượng trong thời gian tới. Khi dịch bệnh ảnh hưởng đến Italia - nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, Lamborghini đã thông báo đóng cửa nhà máy của mình ở Sant’Agata Bolognese. Cơ sở này chịu trách nhiệm sản xuất tất cả các mẫu xe của thương hiệu, điều này có nghĩa là không sản xuất Lamborghini mới. Ngoài ra, Fiat Chrysler cũng đã tạm thời đóng cửa 4 nhà máy tại Italia.
Trong tình hình đại dịch Covid-19, các công ty ô tô trên thế giới đang gia tăng không gian làm việc giữa các nhân viên tại nhà máy. Điều này sẽ tác động đến việc thay đổi quy trình sản xuất và dẫn đến năng lực sản xuất hàng ngày trở nên thấp hơn. Những thay đổi này, cộng với việc cho phép nhân viên làm việc tại nhà, tạo nên những thách thức lớn cho các công ty trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trên toàn cầu.
Chuỗi cung ứng ô tô ở châu Âu có tính chất tích hợp cao, với các chuỗi cung ứng qua nhiều quốc gia. Đức là trụ sở toàn cầu của Volkswagen, BMW và Daimler. Trong khi đó, Renault và Peugeot, hợp nhất với Fiat Chrysler, có trụ sở tại Pháp. Khi tình hình dịch bệnh ở Pháp và Đức vẫn không có dấu hiệu suy giảm, các chỉ thị không ngừng được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan, các nhà sản xuất ô tô ở đây đã và đang hứng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong thị trường chuỗi cung ứng, cũng như trong hoạt động kinh doanh.
Cách Covid-19 biến đổi ngành sản xuất tự động
Sự tăng trưởng mạnh trong thị trường sản xuất ô tô có thể sẽ xảy ra khi các nhà sản xuất tiếp tục hoạt động trở lại, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được sản lượng như trước đây. Sự bùng phát dịch bệnh chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình củng cố và chuyển đổi trong ngành này với việc doanh nghiệp tập trung vào khả năng phục hồi, đổi mới, cũng như đầu tư hơn vào các thị trường tăng trưởng mới nổi. Sự gián đoạn đáng kể gây ra bởi đại dịch đã khiến các công ty phản ứng lại bằng chiến dịch đa dạng hóa các nhà cung cấp, dẫn đến chi phí cao hơn trong ngắn hạn.
Những chi phí cao hơn đó sẽ giảm bớt khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng giảm dần, thế nhưng các nhà sản xuất đã và đang chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc để đối phó với chính sách thuế quan, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước này. Sự kiện này đánh dấu việc rời khỏi sau hơn 3 thập kỷ chuyển ngành sản xuất sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư nhờ những yếu tố như khả năng kiểm soát tốt đại dịch cũng như khả năng khôi phục lại nền kinh tế nhanh chóng.
Tuy nhiên, vấn đề chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức. Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc dịch chuyển sản xuất do phải sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Đồng thời, các công ty thường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quyết định nơi chuyển địa điểm cũng như cách thức thâm nhập thị trường mới. Những vấn đề này sẽ có tác động lớn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần đưa ra các quyết định sáng suốt để giữ cho hoạt động sản xuất ổn định trong ngắn hạn, đồng thời mở rộng kinh doanh khi cần thiết.
Đối phó với sự thay đổi
Những điều cần chuẩn bị cho sự thay đổi trong ngắn hạn dưới góc nhìn của các chuyên gia RSM như sau:
Mang lại sự ổn định cho chuỗi cung ứng, tối đa hóa khả năng thanh khoản và lấy khách hàng làm trọng tâm là những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn để cải thiện tình hình tài chính trong doanh nghiệp sản xuất ô tô.
Thứ nhất, ổn định chuỗi cung ứng. Đại dịch gây nên hàng loạt rủi ro và ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, quá trình di chuyển các linh phụ kiện từ cung ứng vào sản xuất và sau cùng là phân phối đòi hỏi nhiều quyết định phức tạp. Việc thiết lập các lựa chọn thay thế về chuỗi cung ứng bằng các bài toán thông minh giúp xác định đâu là sự lựa chọn tốt nhất, nhằm mang lại sự ổn định trong ngắn hạn và nền tảng cho sự thành công trong dài hạn. Tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm ổn định chuỗi cung ứng, đồng thời chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế bất kỳ lúc nào.
Thứ hai, tối đa hóa khả năng thanh khoản. Bản chất ngành công nghiệp ô tô là cần nguồn vốn lớn, đầu tư nhiều vào phát triển và nghiên cứu để nâng cao giá trị. Thay vì tập trung vào các chỉ số khả năng sinh lời, thì các công ty nên chuyển trọng tâm sang việc nâng cao khả năng thanh khoản. Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt và việc sử dụng không hiệu quả vốn lưu động nội bộ bao gồm các khoản phải trả, phải thu và hàng tồn kho nên được chú trọng giải quyết. Ngoài ra, cần có sự phối hợp trong doanh nghiệp để thực hiện và xác định các chỉ số đo lường hiệu suất nhằm tối đa hóa khả năng thanh khoản của các tài sản. Mặt khác, doanh nghiệp cần đánh giá các hạn mức tín dụng hiện có theo điều kiện thị trường và xem xét các nguồn thanh khoản thay thế có sẵn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động khi cần thiết.
Thứ ba, lấy khách hàng làm trọng tâm. Doanh nghiệp nên tập trung vào nhu cầu chuỗi cung ứng của khách hàng trong thời điểm đầy biến động này. Lấy khách hàng làm trọng tâm là giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp nên chú trọng, hướng mục tiêu vào nhu cầu của khách hàng. Tiêu chuẩn này trong tương lai sẽ có những tác động to lớn đến việc thiết kế chuỗi cung ứng, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng phức tạp hơn của khách hàng.
Mang lại sự ổn định cho chuỗi cung ứng, tối đa hóa khả năng thanh khoản và lấy khách hàng làm trọng tâm là những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn để cải thiện tình hình tài chính trong doanh nghiệp sản xuất ô tô. Tuy nhiên, để có được sự phục hồi của ngành này sau đại dịch thì đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trước những sự đổi mới trong thời kỳ đầy biến động này, cùng với việc chú trọng đầu tư vào các thị trường tăng trưởng mới nổi để có thể duy trì và phát triển nhanh chóng sẽ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp trong ngành.
Tác giả: Ông Lê Khánh Lâm - P. Tổng Giám đốc RSM Việt Nam
Kommentare