Nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tại dự thảo Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đặt ra nhiều biện pháp khác nhau.
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính quy định cơ quan Thuế phải căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế và các thông tin nghiệp vụ tại thời điểm ra quyết định để xác định danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong từng thời kỳ.
Từ đó sẽ thực hiện quản lý rủi ro về đăng ký thuế; trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; trong quản lý hoàn thuế; trong việc lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; trong quản lý việc tạo, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.
Cập nhật danh sách người nộp thuế trên ứng dụng
Danh sách người nộp thuế rủi ro sẽ được cập nhật trên ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật, quản lý thông tin người nộp thuế có rủi ro để phục vụ cho công tác quản lý thuế trong toàn ngành Thuế.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế quy định chi tiết định kỳ việc đánh giá, lập danh sách người nộp thuế rủi ro để xác định trọng điểm trong công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.
Nếu có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính cũng quy định về các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Theo đó, căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, cơ quan Thuế thực hiện phân tích bản chất hành vi, quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế với các biện pháp xử lý phù hợp với mỗi vấn đề tuân thủ.
Cụ thể, đối với trường hợp tuân thủ cao sẽ đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế. Đối với các mức tuân thủ trung bình, thấp, không tuân thủ thì sẽ phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, các đại lý thuế để triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế; Tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế.
Đơn giản hoá các thủ tục hành chính
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc kê khai, nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Riêng đối với trường hợp không tuân thủ thì cơ quan Thuế sẽ thực hiện kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế.
Theo đó, người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu như: thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế; bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ; rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế; thuộc danh sách không tuân thủ pháp luật thuế và không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan thuế các cấp sẽ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với từng trường hợp. Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ quy định cụ thể việc thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát, biện pháp giám sát phù hợp với quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.
Comments