top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

6 quy định quan trọng tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP về thuế thu nhập cá nhân

Một số nội dung về thuế thu nhập cá nhân có nhiều thay đổi từ ngày 5/12/2020 khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo Nghị định này, một số nội dung về khai thuế thu nhập cá nhân mức thu nhập chịu thuế... sẽ có những thay đổi đáng chú ý. Dưới đây là tổng hợp một số quy định quan trọng tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP.


thue-thu-nhap-ca-nha
Tổng hợp các thông tin quan trọng về thuế thu nhập cá nhân

1. Ngân hàng phải cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế

Theo Khoản 2, Điều 30, trường hợp cơ quan thuế yêu cầu, ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm:

  • Tên chủ tài khoản.

  • Số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cung cấp.

  • Ngày mở - đóng tài khoản.

Thời gian cung cấp các thông tin tài khoản của người nộp thuế được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin, chịu trách nhiệm về tính an toàn của thông tin được cung cấp theo quy định của pháp luật.


2. Trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế


Khác với Nghị định 83/2013/NĐ-CP không đề cập đến các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã liệt kê 5 trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế:

  • Người nộp thuế chỉ hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật.

  • Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định về thuế thu nhập cá nhân và tại Điểm b, Khoản 2, Điều 79 Luật Quản lý thuế (trừ những cá nhân thừa kế, quà tặng là bất động sản, chuyển nhượng bất động sản).

  • Doanh nghiệp chế xuất, chỉ hoạt động xuất khẩu không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT.

  • Đối tượng người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4, Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

  • Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức doanh nghiệp được quy định tại Khoản 4, Điều 44, Luật Quản lý thuế.


thue-thu-nhap-ca-nhan
Doanh nghiệp cần chú ý các quy định quan trọng tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP

3. Số thuế TNDN tạm nộp 3 Quý không được thấp hơn 75% số thuế TNDN trong cả năm


Căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 Quý đầu năm tạm nộp không được thấp hơn 75% tổng số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán thuế năm. Trường hợp doanh nghiệp nộp thiếu số thuế tạm nộp của 3 Quý đầu năm sẽ phải nộp thêm tiền nộp chậm tính trên số thuế nộp thiếu. Thời gian tính nộp chậm bắt đầu từ ngày kế tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp Quý 3 đến này nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

4. Các trường hợp không phải khai thuế TNCN


Căn cứ theo Điểm d.3, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các trường hợp không phải quyết toán thuế TNCN gồm:

  • Số thuế phải nộp thêm sau quyết toán năm của cá nhân từ 50.000 đồng trở xuống.

  • Số thuế phải nộp của cá nhân nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế kế tiếp.

  • Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời thu nhập vãng lai ở các nơi khác không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN 10%.

  • Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, các loại hình bảo hiểm không bắt buộc khác (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện) có tích lũy về phí bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động đóng góp hoặc mua cho người lao động.

5. Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN kể cả khi không phát sinh khấu trừ thuế


Căn cứ theo Điểm d1, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế, quyết toán thuế thay cho các cá nhân có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập này, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh chi trả thu nhập thì không phải quyết toán thuế TNCN.

6. Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế


Tại Điểm c, Khoản 5, Điều 7 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức sẽ có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh của hai bên, không phân biệt hình thức phân chia kết quả kinh doanh.

Việc khai thuế sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế và quản lý của tổ chức, đồng thời thực hiện khai và nộp thuế TNCN thay cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Trên đây là tổng hợp 6 quy định quan trọng tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Các quy định này được áp dụng bắt đầu từ 5/12/2020 nên doanh nghiệp cần lưu ý để áp dụng, điều chỉnh phù hợp quy định của pháp luật.



CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:




18 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page