top of page

Bản tin tổng hợp Thuế tháng 2/2024

1.Nghị quyết 25/NQ-CP đề nghị xây dựng luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Chính phủ ban hành


CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 27/02/2024. Ngày hiệu lực: 27/02/2024


Ngày 27/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).


Một số nội dung đáng chú ý của Nghị quyết 25/NQ-CP chủ yếu như sau:


  • Nghiên cứu, chưa bổ sung vào Chính sách 5 của Đề nghị xây dựng Luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO;

  • Tiến độ trình dự án Luật như sau:

(i) Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024);


(ii) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024) và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025).


Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật và gửi Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.


Nghị quyết 25/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2024


2.Thông tư/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/07/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp


CQ ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Ngày ban hành: 29/12/2023. Ngày hiệu lực: 15/02/2024


Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm 2013 và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm 2013 về bảo hiểm thất nghiệp.


Theo đó, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:


  • Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên; (Điểm mới so với quy định hiện hành)

  • Ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

  • Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.


Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ; (Điểm mới so với quy định hiện hành)


  • Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

  • Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

  • Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

  • Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp; (Điểm mới so với quy định hiện hành)

  • Thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 03 tháng; (Điểm mới so với quy định hiện hành)

  • Đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; (Điểm mới so với quy định hiện hành)

  • Chuyển nơi hưởng trợ cấp theo khoản 5 Điều 10 Thông tư 28/2015/TTBLĐTBXH . (Điểm mới so với quy định hiện hành)


Người lao động phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax, ...) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, đồng thời gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu trên chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.


Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì ngày được coi là đã gửi thông báo là ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.


3.Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan


CQ ban hành: Bộ Tài chính

Ngày ban hành: 29/01/2024. Ngày hiệu lực: 15/03/2024


Ngày 29/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan như sau:


- Phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan từ ngày 15/03/2024


Theo đó, người khai hải quan được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:


  • Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 06/2024/TT-BTC.

  • Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.

  • Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.

  • Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.

  • Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao. Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.

  • Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt.

  • Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan hải và lĩnh vực khác do cơ quan quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9.

  • Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BTC .


- Phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan từ ngày 15/03/2024


Cơ quan Hải quan thực hiện đánh giá phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong 365 ngày liên tiếp trở về trước tính từ ngày đánh giá theo một trong các mức độ tuân thủ pháp luật như sau:


  • Mức 1: Doanh nghiệp ưu tiên.

  • Mức 2: Doanh nghiệp tuân thủ mức rất cao.

  • Mức 3: Doanh nghiệp tuân thủ mức cao.

  • Mức 4: Doanh nghiệp tuân thủ mức trung bình.

  • Mức 5: Doanh nghiệp không tuân thủ.


- Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan được sửa đổi bổ sung như sau:


Mức độ rủi ro người khai hải quan từ Hạng 2 đến Hạng 6 được phân loại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và quy định sau:


(i) Mức độ tuân thủ của người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi quy định tại Điều 10 Thông tư số 81/2019/TT-BTC.


(ii) Thời gian thành lập; trụ sở hoạt động; quy mô nhà xưởng; số lượng nhân viên; loại hình doanh nghiệp; thông tin về chủ doanh nghiệp; vốn; tham gia thị trường chứng khoán; chứng chỉ phù hợp Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001.


(iii) Thời gian, tần suất hoạt động, tuyến đường; hàng hóa, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu; kim ngạch hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tổng số thuế đã nộp; doanh thu, lợi nhuận; kết quả thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan, điều tra, thanh tra của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và các cơ quan khác liên quan; kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với các thông tin liên quan đến điều kiện thành lập, công nhận doanh nghiệp cảng, kho, bãi; kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong trong việc thực hiện quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.


(iv) Tần suất, tính chất, mức độ vi phạm và việc chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật về quản lý thuế và chấp hành pháp luật thuế; chấp hành pháp luật bưu chính, vận tải, thương mại, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và pháp luật khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.


(v) Lịch sử vi phạm liên quan đến chủ hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng.


(vi) Mục tiêu, yêu cầu quản lý hải quan trong từng thời kỳ.


(vii) Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật quản lý thuế và pháp luật thuế.


(viii) Hợp tác với cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp


-Sửa đổi về việc phân loại, quyết định kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu :


(i) Rủi ro cao: Kiểm tra trước, hoàn thuế sau.


(ii) Rủi ro trung bình: Hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế (quy định cũ là 03 năm )


(iii) Rủi ro thấp: Hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế.


4.Công văn 558/TCT-CS chính sách Thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành


CQ ban hành: Tổng cục Thuế

Ngày ban hành: 20/02/2024


Tổng cục thuế ban hành công văn số 558/TCT -CS hướng dẫn về xử lý hoàn thuế đối với trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ như sau:


Ngày 12/7/2023, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3622/TCHQ-GSQL phản hồi về vướng mắc liên quan đến thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ về quyền xuất khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam và khoản 5 Điều 3 Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017: nếu xác định thương nhân nước ngoài đã có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp; đã có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp thì không thuộc trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.


Trường hợp xác định thương nhân nước ngoài không thuộc trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thì hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài này và được chỉ định cho doanh nghiệp khác được giao hàng tại Việt Nam không thuộc trường hợp xuất khẩu/nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và điểm c khoản 1 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.


Trường hợp Cơ quan hải quan xác định việc doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu tại chỗ không đúng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì Cơ quan thuế không giải quyết hoàn thuế do không đáp ứng điều kiện về tờ khai hải quan theo quy định.


Đề nghị các Cục Thuế phối hợp với Cơ quan Hải quan có liên quan, căn cứ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, quy định của pháp luật có liên quan về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ và tình hình thực tế của đơn vị để hướng dẫn đơn vị thực hiện.


5.Công văn số: 333/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần


CQ ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ngày ban hành: 05/02/2024


Ngày 05/02/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 333/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.


Rà soát, xử lý trường hợp đã hưởng BHXH một lần không đúng quy định.


Theo đó, để việc giải quyết chế độ, chính sách đúng quy định của pháp luật, kịp thời thu hồi về quỹ BHXH khi phát hiện Quyết định hưởng không đúng chế độ; BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) rà soát, xử lý đối với các trường hợp đã hưởng BHXH một lần không đúng quy định, cụ thể như sau:


- Đối với các trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định, BHXH tỉnh/BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (BHXH huyện) ban hành Quyết định hưởng BHXH một lần (Quyết định) theo phân cấp giải quyết (sau đây gọi chung là nơi giải quyết) phối hợp với BHXH tỉnh/huyện có liên quan (nếu có) xác định cụ thể nguyên nhân, thực hiện như sau:


  • BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết thực hiện hủy Quyết định hưởng BHXH một lần và Quyết định điều chỉnh mức hưởng trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ (nếu có) và thu hồi số tiền đã chi không đúng về quỹ BHXH.

  • Khi phát hiện người hưởng BHXH một lần không đúng quy định do BHXH tỉnh/huyện khác giải quyết thì BHXH tỉnh/huyện nơi phát hiện thông báo trên phần mềm xét duyệt chính sách (TCS) cho BHXH tỉnh/huyện nơi giải quyết.

  • Ngày đầu tháng sau lập báo cáo kết quả rà soát, thu hồi BHXH một lần hưởng không đúng quy định theo Thông báo kết quả kiểm toán 702/TB-KTNN ngày 25/12/2019, 702/TB-KTNN ngày 02/12/2022 của Kiểm toán Nhà nước và các trường hợp thu hồi khác của tháng trước theo nội dung nêu tại điểm 1.1 khoản 1, mẫu tại Phụ lục I, II kèm Công văn 333/BHXH-CSXH, ký số trên phần mềm TCS.


- Trường hợp phát hiện người có nhiều mã số BHXH hoặc có thời gian đóng BHXH không đúng quy định đã hưởng BHXH một lần (đóng không đúng đối tượng, trùng quá trình tham gia BHXH) thì thực hiện hủy Quyết định hưởng, thu hồi số tiền đã chi theo quy định tại khoản 1 Công văn 333/BHXH-CSXH và hoàn trả số tiền đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không đúng quy định, đồng thời thu hồi tiền hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHTN phát sinh do quá trình đóng BHXH, BHTN không đúng quy định đó (nếu có).


- Trường hợp phát hiện có tình trạng mượn hồ sơ tư pháp để giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHTN thì căn cứ quy định của pháp luật (Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Dân sự 2015), hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và của BHXH Việt Nam để xem xét, xử lý theo quy định.


- Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, quán triệt đến các phòng, bộ phận nghiệp vụ và công chức, viên chức các giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng quy định của chính sách, hạn chế tối đa việc hủy quyết định, thu hồi số tiền BHXH đã chi trả.


6.Công văn 114/TCHQ-GSQL về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất


CQ ban hành: Bộ Tài chính

Ngày ban hành: 09/01/2024


Liên quan đến vướng mắc của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, ngày 9/1/2024, Tổng cục Hải quan có một số ý kiến về địa điểm kinh doanh của Doanh nghiệp chế xuất như sau:


Hoạt động của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP không quy định về việc áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất cho địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

159 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page